1. Nguyên nhân bị điện giật
Điện giật thường gặp trong các trường hợp sau:
- Sơ suất khi tiếp xúc với nguồn điện hoặc vô ý chạm phải vật mang điện.
- Sử dụng các dụng cụ, thiết bị điện có điện truyền ra vỏ do các bộ phận cách điện bị hỏng hoặc dẫm phải dây điện hở, hay dây điện bị đứt rơi vào người…
2. Cách xử trí khi trẻ bị điện giật
a. Tách trẻ ra khỏi nguồn điện.
- Trường hợp nhìn thấy người bị điện giật, không được vội vàng chạm tya sờ trực tiếp vào người bị điện giật để kéo người đó ra khỏi nguồn điện khi chưa ngắt nguồn điện vì như thế điện sẽ truyền từ nạn nhân sang người cứu làm cho người cứu cũng bị điện giật và trở thành nạn nhân.
- Thấy có người bị điện giật phải hô hoán, kêu gọi mọi người xung quanh đến giúp đỡ.
- Tách ngay trẻ ra khỏi nguồn gây giật điện bằng cách:
+ Không đi chân đất hoặc tay chân đang ẩm ướt để cứu trẻ vì sẽ bị truyền điện rất nguy hiểm.
+ Phải bình tĩnh quan sát, phát hiện nguồn gây ra tai nạn để ngắt ngay dòng điện như kéo phích cắm ra khỏi ổ điện, cắt cầu dao điện tại nguồn chính, rút bỏ cầu chì.
- Nếu không thể cắt được nguồn điện, phải tách ngay trẻ ra khỏi nguồn gây giật điện bằng cách đứng nơi khô ráo, trên vật cách điện như miếng gỗ, tập giấy hoặc đi giầy, dép khô, dùng que gỗ khô ( cán chổi, đòn gánh…) hoặc cuộn giấy đẩy nguồn điện, dây điện ra khỏi trẻ một cách cẩn thận, nếu không người cứu cũng sẽ trở thành nạn nhân.
b. Cách sơ cứu khi trẻ bị điện giật
Khi đã tách trẻ ra khỏi nguồn điện lập tức phải kiểm tra tình trạng của nạn nhân.
- Nếu trẻ còn tỉnh: An ủi trẻ để trẻ yên tâm, kiểm tra và sơ cứu các vết thương nếu bị bỏng hay gẫy xương, tật khớp.
- Nếu trẻ bất tỉnh: Xem trẻ còn thở được không ( quan sát lồng ngực, bụng di động, để sợi bông, lông vũ trước mũi). Áp tai vào ngực trái xem tim còn đập không. Nếu thấy trẻ không còn thở, tim không đập lập tức phải tiến hành hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Việc sơ cứu phải tiến hành ngay lập tức mới hy vọng cứu sống được trẻ. Không bao giờ được chuyển trẻ tới bệnh viện mà chưa sơ cứu. Cần lựa chọn phương tiện thích hợp để vừa chuyển trẻ vừa hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực.
3. Cách phòng tránh
- Tuyệt đối không dùng dây điện trần ( không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà.
- Thường xuyên kiểm tra và thay các dây điện bị hở, dụng cụ điện bị hỏng tại lớp học.
- Khi sử dụng các dụng cụ điện, không nên đi đất và cần giữ tay khô. Sử dụng xong, cần tháo ngay ra khỏi lỗ cắm hoặc ngắt điện.
- Không dùng dây điện không có phích cắm cắm trực tiếp vào ổ cắm.
- Không dùng đồ điện trong khi đang tắm hoặc nằm trong bồn tắm.
- Phải dùng các thiết bị điện an toàn.
- Để các phích cắm điện ngoài tầm với của trẻ nhỏ, lấy băng dính bịt kín những ổ cắm không dùng đến.
- Những đồ điện không dùng tới nên rút phích cắm.
- Dạy trẻ không sờ tay vào ổ cắm điện.
- Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi dây điện đứt xuống.
- Không tự ý sữa chữa đường điện khi đang có mưa bão, không lên sân thượng khi mưa dông vì có thể đường dây điện qua các sân thượng, mái hiên bị rò rỉ.
- Không được tắt mở công tắc khi đang ướt, chân không mang dép, nơi đứng bị ẩm ướt.
- Nên lắp cầu giao chống giật cho dây dẫn. Các thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng… nên có dây nối đất để đảm bảo an toàn khi gặp sự cố rò điện.